Tác giả: Wolfgang Amadeus Mozart.Tác phẩm: Concerto clarinet giọng La trưởng, K. 622Thời gian sáng tác: Trong năm 1791.Công diễn lần đầu: Tại Prague vào ngày 16/10/1791 với nghệ sĩ độc tấu là Anton Stadler.Độ dài: Khoảng 30 phút.Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho nghệ sĩ clarinet Anton Stadler.Tác phẩm có 3 chương: Chương I – Allego (La trưởng) Chương II – Adagio (Rê trưởng) Chương III – Rondo: Allegro (La trưởng)Thành phần dàn nhạc: Clarinet độc tấu, 2 flute, 2 bassoon, 2 horn và dàn dây.
Clarinet concerto là tác phẩm khí nhạc cuối cùng của Mozart. Ban đầu Mozart định sáng tác một concerto cho basset horn (một nhạc cụ trong họ clarinet có dải âm trầm hơn clarinet đã được Mozart sử dụng rất nhiều trước đó cũng như trong Requiem sau này), hiện tại vẫn còn lưu giữ được một phác thảo do Mozart viết tay có 199 ô nhịp giống hệt một nửa chương I của bản clarinet concerto này. Tuy nhiên, ông đã thay đổi và chuyển sang viết cho basset clarinet giọng La (cũng là một nhạc cụ trong họ clarinet). Một trong những lý do cơ bản cho sự thay đổi này được cho là bạn thân của Mozart, nghệ sĩ clarinet tài năng nhất lúc bấy giờ Anton Stadler rất hứng thú với nhạc cụ còn non trẻ này (basset clarinet lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu vào ngày 20/2/1788 và thậm chí lúc này chưa có tên gọi chính thức, được Stadler tạm gọi là bass clarinet. Sau này một số nhạc cụ tương tự như basset clarinet đã được tìm thấy và xác định niên đại là vào khoảng năm 1770). Trước đó, vào năm 1789, Mozart cũng đã viết tặng Stadler bản ngũ tấu cho basset clarinet và dàn dây, K. 581. So với clarinet tiêu chuẩn có nốt thấp nhất chỉ là Mi, basset clarinet có âm vực thấp hơn, xuống được đến Đô, vì vậy Mozart đã nhấn mạnh nhiều vào âm khu thấp. Xuyên suốt tác phẩm, Mozart đã thể hiện một tình yêu lớn và sự hiểu biết thấu đáo về những phẩm chất đặc trưng của nhạc cụ: khả năng luyến láy chạy các nốt với tiết tấu nhanh, thay đổi cường độ nhanh chóng, biến đổi dễ dàng các sắc thái tình cảm. Basset clarinet khi đó không phải nhạc cụ phổ thông, chỉ sản xuất khi có người đặt hàng. Vì vậy, sau khi Mozart qua đời, tác phẩm được xuất bản, những đoạn âm trầm đặc trưng cho phần âm khu được mở rộng đã bị đẩy lên một quãng 8. Thật không may, nhà xuất bản không cho biết phần thay đổi đó cụ thể là những phần nào trong khi Stadler đã đánh mất bản thảo viết tay có chữ ký của Mozart nên cho đến ngày nay tất cả các bản concerto clarinet chúng ta được thưởng thức đều không phải là bản nguyên gốc của Mozart. Trong clarinet concerto, chúng ta phần nào tìm thấy sự êm dịu cũng từng xuất hiện trong bản piano concerto cuối cùng số 27, K 595: âm nhạc thanh bình tuyệt đối và đòi hỏi một kỹ thuật biểu diễn điêu luyện. Dàn nhạc thiếu đi oboe do bị Mozart đánh giá là quá day dứt nhưng vẫn còn đó flute, bassoon và horn trong khi bè trầm được giao cho cello đảm nhiệm với sự hỗ trợ hiếm hoi từ double bass. Và mặc dù có 2 chương được ghi chú Allegro, trên thực tế tác phẩm không có chương nhanh thực sự (lại thêm một sự tương đồng với piano concerto số 27). Trumpet và timpani trong những bản piano concerto rực rỡ nhất của Mozart cũng không xuất hiện cho thấy tính chất một tác phẩm thính phòng ngự trị bản clarinet concerto.
Bạn đang xem: Concerto Cho Clarinet Bassoon Concerto
Xem thêm : Bassoon Insurance
Một tâm trạng trữ tình, hoà nhã chiếm ưu thế trong chương I. Mozart đã lựa chọn một tông màu nhẹ nhàng cho dàn nhạc – những chiếc flute thanh lịch thay thế cho âm thanh xuyên thấu của oboe. Mozart đã sắp đặt những chủ đề mới cho clarinet. Ông đã có một cách bố trí tài tình khi đặt phần canon của chủ đề mở đầu vào phần đáng lẽ là chủ đề 2 của chương nhạc. Khi clarinet xuất hiện, nó không chỉ chơi phiên bản chủ đề mở đầu của riêng nó mà còn giới thiệu một vài chất liệu mới, phong phú qua nhiều giọng khác nhau. Bên cạnh đó, Mozart đã khai thác triệt để ưu điểm của clarinet: từ những âm thanh sáng, trong trẻo của âm khu cao đến sự ấm áp, chắc nịch của âm khu thấp. Phần độc tấu đã trở nên tối và nhỏ hơn, tạo nên sự phức tạp về biểu cảm cho vẻ đẹp trang nhã của âm nhạc. Một đoạn của dàn nhạc dẫn đến phần phát triển của chương I do clarinet đảm nhận. Tâm trạng tổng thể dần trở nên mạnh mẽ cho đến khi một đoạn nhạc kịch tính hơn đưa âm nhạc trở lại chủ đề chính. Mozart đã bỏ qua phần cadenza truyền thống thường có ở cuối chương mà thay vào đó ông để không gian để clarinet khoe giọng trong những đoạn suy ngẫm ngắn gọn, mang tính ngẫu hứng cao.
Chương II là vẻ đẹp kỳ diệu của sự đơn giản, một trong những chương chậm tuyệt vời nhất của Mozart. Vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc, chân thành khiến nó trở nên vô cùng đáng yêu. Cũng là tác giả của những tuyệt tác opera, chương II này như một khúc aria 3 phần cho clarinet – với vai trò là 1 diva. Chương nhạc mở đầu với clarinet đóng vai trò giới thiệu và trình tấu, dàn nhạc vang vọng nhẹ trở lại. Đoạn trung tâm tập trung hoàn toàn vào nghệ sĩ độc tấu, người sở hữu những nét nhạc trang trí dịu dàng, êm ái, buồn mang mác và tuyệt đẹp. Chủ đề mở đầu trở lại ở dạng tóm tắt và theo sau bằng một coda. Có lẽ chưa bao giờ ở đâu Mozart lại thể hiện sự sâu sắc về bản chất tạm thời của sự sống và nỗi buồn ẩn giấu phía sau vẻ đẹp cũng như sự thấm thía hơn chương II này.
Xem thêm : Handmade Bassoon Reeds
Chương III nhanh và vui tươi được viết theo hình thức rondo, trong đó chủ đề chính xen lẫn với những đoạn chen tương phản. Những nỗi buồn của chương II đã bị bỏ lại. Sau khi nghệ sĩ độc tấu và dàn nhạc giới thiệu chủ đề chính của chương vui tươi, clarinet chuyển sang chủ đề hai ngọt ngào và ngày càng trở nên biểu cảm hơn khi nó phát triển. Mozart không bao giờ quên ai là nhân vật chính và vẫn dành cho clarinet rất nhiều cơ hội để thể hiện khả năng phô diễn của mình. Chủ đề chính quay trở lại ngắn gọn, dẫn đến một đoạn chen tương phản ở giọng thứ. Thật ngạc nhiên, Mozart cho chủ đề hai quay trở lại trước, giữ lại toàn bộ giai điệu chính cho một cái kết đầy hân hoan của concerto.
Trong bản concerto cuối cùng của đời mình, Mozart đã để lại một trong những bày tỏ chân thực nhất của mình về âm nhạc, một minh chứng cho hạnh phúc và nỗi buồn, cho hy vọng và cam chịu, cho nhận thức rằng trong cuộc sống, đó không phải là 2 thái cực riêng biệt mà là 2 diện mạo đồng thời của một sự thật sâu sắc hơn. Sau khi Mozart qua đời, bản clarinet concerto hầu như chỉ biểu diễn trên clarinet thông thường. Đến những năm 1960, một số nghệ sĩ đã cố gắng tái tạo lại tác phẩm này cho basset clarinet. Ngày nay, nhiều nghệ sĩ đã biểu diễn và thu âm tác phẩm này với basset clarinet, ví dụ như: Martin Fröst, Michael Collins, Ernst Ottensamer. Nhưng tất cả đều chỉ là sự mày mò của những cá nhân yêu thích tác phẩm này. Mọi người vẫn mong chờ một ngày bản gốc của Mozart sẽ xuất hiện để có thể trình tấu tác phẩm này đúng với tinh thần của nhà soạn nhạc nhất.
Cobeo
Nguồn: https://dayhocdan.edu.vn
Danh mục: Học đàn Bassoon